Tìm hiểu về tật nghiến răng
Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng của hệ thống nhai (gọi là hoạt động cận chức năng là vì cũng là hoạt động của hệ thống nhai với sự tham gia của tất cả các yếu tố thần kinh – cơ, nhưng không nhằm mục đích thực hiện chức năng). Nghiến răng xảy ra khá phổ biến, chiếm 10% dân số trưởng thành.
Thường người bệnh không biết mình có nghiến răng vì nó chỉ xảy ra lúc ngủ.
Mặc dù triệu chứng nghiến răng gây khó chịu rất nhiều cho người thân nhưng bệnh nhân thường chỉ đi khám vì những hậu quả của nghiến răng gây ra hơn là triệu chứng của nó.

Tật nghiến răng gây nhiều khó chịu trong cuộc sống
Biểu hiện của tật nghiến răng là gì?
- Biểu hiện ở răng và mô nha chu: mòn răng; nứt, gãy răng; ê buốt, lung lay răng.
- Biểu hiện ở hệ thống cơ nhai: chủ yếu là tình trạng đau cơ do co thắt với cường độ mạnh, các sản phẩm thoái biến sinh ra không kịp đào thải, còn ứ đọng trong cơ gây đau. Cơ nhai bị ảnh hưởng rõ ràng và dễ thấy nhất là cơ cắn, do vậy, bệnh nhân thường sẽ có cảm giác đau âm ỉ hai bên vùng má, gần góc hàm.
- Biểu hiện ở khớp thái dương hàm: Khớp thái dương hàm cũng bị quá tải trong trường hợp nghiến răng. Lực nhai gây ra sẽ tác động vào hệ răng và khớp thái dương hàm. Lực tác động lên răng làm mòn răng, gãy nứt răng, lung lay răng… đồng thời tác động lên khớp gây ra những tổn thương cấu trúc khớp. Tùy mức độ tổn thương khớp mà bệnh nhân sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau như: đau khớp, tiếng kêu vùng khớp, rối loạn vận động (há miệng lệch, hạn chế…)
- Biểu hiện khác: Ngoài những triệu chứng chủ yếu ở bộ máy nhai đã nêu, bệnh nhân còn có thể có dấu hiệu đau đầu, cùng những biểu hiện về tâm lý như lo lắng, căng thẳng…

Nghiến răng gây nhiều tác hại xấu cho răng
Tật nghiến răng xuất phát từ đâu?
- Yếu tố tại chỗ: Một trong những nguyên nhân của tật nghiến răng là hiện tượng vướng cộm khớp cắn. Hai chiếc răng trên dưới như một cặp cối xay và vướng cộm khớp sẽ làm chúng không hoạt động đồng bộ. Khi đó, tự nhiên cơ thể sẽ có phản ứng nghiến răng nhằm loại bỏ những vướng cộm này.
- Yếu tố tâm lý: Nhiều người từng cho rằng nghiến răng là một biểu hiện của sự lo lắng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã cho thấy, thực sự không có liên quan giữa stress và nghiến răng. Chỉ có yếu tố lo lắng là có ý nghĩa thống kê trong liên quan với nghiến răng.
- Yếu tố bệnh học thần kinh: Yếu tố bệnh học thần kinh ngày càng được lưu ý nhiều hơn như là nguyên nhân chính của tật nghiến răng. Các nhà khoa học đã xem nghiến răng như là một hiện tượng cận giấc và có liên quan mật thiết đến đáp ứng tỉnh thức (arouse response) của cơ thể. Đáp ứng tỉnh thức đặc trưng bởi giấc ngủ kém sâu, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng và có những vận động như xoay người, co chân, co tay, mớ, mộng du… trong khi ngủ.
Bên cạnh đó, cũng có một số nghiên cứu nêu thêm nguyên nhân tật nghiến răng đến từ sự rối loạn hệ thống dẫn truyền thần kinh trung ương. Điều này giải thích cho rất nhiều trường hợp nghiến răng sau khi sử dụng thuốc lắc (ectasy), nghiện thuốc lá, hoặc một số thuốc điều trị bệnh tâm thần hay bệnh thần kinh gây ra.

Stress là một trong những nguyên nhân của tật nghiến răng
Điều trị tật nghiến răng như thế nào?
Có 2 cách điều trị được áp dụng hiện nay là điều trị thuốc và điều trị bằng khí cụ niềng.
- Điều trị thuốc:
Thuốc được sử dụng trong điều trị nghiến răng có thể là thuốc uống, thuốc thoa và thuốc chích.
- Thuốc uống là loại thuốc có tác dụng giảm lo âu như buspirone, thường sử dụng trong trường hợp nghiến răng là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Những trường hợp nghiến răng khác không nên sử dụng thuốc này.
- Thuốc chích là một loại thuốc có tác dụng làm liệt cơ: Botox (thường sử dụng trong thẩm mỹ để xóa nếp nhăn). Thuốc này sử dụng chích vào cơ cắn có tác dụng trong vòng 4 – 6 tháng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là một giải pháp khá hiệu quả trong nhiều trường hợp, như sau chấn thương, lạm dụng amphetamine (thuốc lắc) …
- Thuốc thoa là một hỗn hợp gồm các thuốc dãn cơ, kháng viêm, an thần với thành phần chính gồm: cyclobezaprin, có tác dụng làm giảm co thắt cơ, kết hợp với kháng viêm loại nonsteroid (keto-profen) cùng với an thần là diazepam. Thuốc này được thử nghiệm có tác dụng tốt trong nhiều trường hợp. Đây là một loại thuốc mới, đăng ký bản quyền vào tháng 10/2003.
- Điều trị bằng khí cụ : Điều trị khí cụ niềng (máng nhai) đã được thực hiện từ lâu với những hiệu quả được chứng minh trên lâm sàng. Máng này làm bằng nhựa, vừa khít với dấu răng, có tác dụng ngăn cách sự siết chặt giữa hai làm, giảm tình trạng mòn men, lộ ngà, gãy nứt răng do nghiến răng gây ra. Đồng thời, máng nhai cũng làm giảm tình trạng co thắt của các cơ nhai. Trong trường hợp phần men răng đã bị mòn ở mức độ nặng, thậm chí lộ cả phần ngà thì bạn cần tính đến giải pháp bọc sứ cho răng. Bọc sứ không chỉ là giải pháp thẩm mỹ khi men răng mòn, xỉn màu mà quan trọng hơn là bảo vệ được cấu trúc răng khỏi những tác động từ bên ngoài như lực nhai, axit, ngăn ngừa lực siết khi vô thức của tật nghiến răng.

Điều trị tật nghiến răng bằng phương pháp niềng
Nghiến răng không chỉ gây khó chịu cho người thân mà còn gây những tổn hại ngay chính người bệnh. Những tổn hại này cần phải được ngăn ngừa trước khi quá muộn. Vì vậy, hãy đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị ở giai đoạn sớm để tìm ra giải pháp tối ưu.